Home > Gần > Hạt cát

Hạt cát

Cứ mỗi lần có chuyện này chuyện kia liên quan đến các bác cao tuổi làm khoa học ở nhà – cụ thể là chuyện các bác bị bàn dân thiên hạ đem ra chế giễu – là tôi lại rơi vào trạng thái cảm xúc lẫn lộn. Một mặt, theo những gì đọc được trên báo (tôi phải nhấn mạnh vào chữ “trên báo”), tôi thật ngứa mồm muốn góp vào một câu giễu cợt mỉa mai theo kiểu học đâu chả thấy chỉ thấy khoa. Mặt khác, tôi lại có tâm lý muốn giang tay ra bảo vệ các bác với lý lẽ “các bác ấy dành cả cuộc đời, thật sự đam mê, thật sự tin là mình có phát kiến tiên phong, mấy người trong chúng ta thật sự có lòng như thế, thôi thì khi tầm mắt các bác có hạn, cũng đừng chỉ trỏ cười chê”. (Dĩ nhiên ở đây tôi chỉ muốn nói đến các bác thật sự có lòng vì khoa học chứ không phải các bác làm tiền/danh bằng “khoa học”).

Tôi bị lẫn lộn cảm xúc như thế vì bố tôi cũng làm khoa học, và cũng cao tuổi. Vài chục năm nhìn bố, tôi nhìn thấy ông đốt cháy năng lượng cho công việc của mình – đốt cháy gần như toàn bộ năng lượng mà ông có. (Phần còn lại của cuộc sống ông, tức là gia đình, chính xác nhất là mẹ tôi, luôn phải chịu thiệt thòi vì thế). Ông nghiên cứu ngôn ngữ. Hàng ngày (chính xác là hàng ngày), ông đọc báo với cây kéo bên cạnh, tỉ mẩn cắt ra từng mẩu báo có từ ngữ chuẩn, hoặc không chuẩn, mà ông cho rằng có thể sử dụng làm ví dụ cho một bài giảng hay bài viết nào đó. Những chồng mẩu giấy báo như thế cứ tích tụ đầy ứ lên, cho đến lúc tôi lớn và nghẹt thở, nhân dịp sửa nhà ép ông bán giấy vụn để còn có chỗ làm cho ông một không gian sống cho tử tế. (Đến giờ, mỗi lần về thăm, tôi kìm chế không tạt vào phòng để săm soi, vì biết thế nào cũng sốt ruột vứt đi một phần giấy tờ ngổn ngang trong phòng).

Trong mấy chục năm ông làm việc miệt mài như thế, thế giới cũng đâu có đứng yên. Và đây là cái phần đau lòng nhất mà tôi không hề muốn đối diện: đến lúc tôi vừa đủ lớn để nhận ra rằng mỗi nhà nghiên cứu khoa học cần phải được nối kết với cộng đồng nghiên cứu cùng lĩnh vực trên mọi xó xỉnh của thế giới để biết rằng toàn bộ ngành/chuyên ngành của mình đang đứng ở vị trí nào và mình cần đóng góp thêm gì mới vào đó, tôi từ mơ hồ đến rõ ràng nhận ra bố tôi (và những đồng nghiệp cùng thời với ông) không có đủ sự liên kết này, và vì thế, nhiều khả năng không hình dung được hết tương quan của con đường mình đi với phần còn lại của thế giới trong chuyên ngành của ông.

Những năm 60, tài liệu nghiên cứu ngôn ngữ học tại VN hầu hết là tài liệu Pháp. Trong những năm 70 và 80, đồng nghiệp của bố tôi ở Nga và Đông Đức gửi tài liệu chuyên ngành đều đặn cho ông – thế giới qua cửa sổ của ông là khối XHCN. Sau này, những năm 90, tôi thấy ông nhận sách vở từ Úc và thi thoảng từ Mỹ. Nhưng cho đến lúc đó, khi mà sự nối kết kiến thức đã trở nên tỉ lần đơn giản hơn nhờ Web, thì ông không còn ở tuổi có thể tận dụng khai thác nguồn thông tin mình cần từ đó nữa. (Đó là chưa kể, các trường đại học ông làm việc không đăng ký mua các tạp chí chuyên ngành qua Web để cả thầy và trò đều được cập nhật kiến thức ngành). Đôi lần, khi được bố giao cho nhiệm vụ dịch các bài báo của ông sang tiếng Anh để gửi cho tạp chí chuyên ngành ngoài nước, tôi vừa dịch vừa đau tim. Cái cảm giác bất an không biết liệu những sản phẩm tri thức của ông có còn trôi được trong dòng chảy nghiên cứu đương đại hay không cứ ám ảnh tôi mãi.

Học trò của bố tôi, nhiều người giờ trụ được tại các trường đại học nước ngoài. Ông luôn hồ hởi nói về họ, ông vui vì giờ ông vẫn còn làm việc như học trò ông đang làm việc. (Một số người là cầu nối để ông nhìn thấy tình hình nghiên cứu ngành ông hiện nay). Đôi khi tôi không hình dung được học trò của ông, khi đã bắt nhịp với dòng chảy nghiên cứu của ngày hôm nay, nghĩ gì về đoạn đường nghiên cứu đã qua. Họ có cười nếu nhận ra sự cũ kỹ (và có thể là ấu trĩ) của ngành học của họ ngày trước ở nhà hay không?

Khi nghĩ nhiều hơn về môi trường mang tên là khoa học, và sống gần hơn với nhiều người khác cũng làm khoa học, tôi dần trở nên bình tâm hơn, và có lẽ cũng công bằng hơn. Tôi nhận ra, nói cho cùng, đó là một môi trường khốc liệt. Không ai nhìn được điểm cuối cùng của hành trình nghiên cứu của mình. Thế giới có một vĩ nhân tìm ra một chân lý được chấp nhận là vĩnh hằng thì đồng thời cũng chứa hàng trăm nghìn người (làm khoa học) bình thường mà sản phẩm tri thức cùng lắm tương đương với một hạt cát trong khối xi măng xây nhà. Mà chắc chắn có hàng triệu hạt cát mà nếu sàng sảy hẳn ra khỏi khối xi măng được thì cái nhà sẽ chắc chắn hơn, ít khả năng bị sụp hơn.

Nhưng có lẽ, cái giá phải trả của cả trái đất này ( = phí phạm năng lượng của hàng triệu con người để đổi lại cơ may có những phát kiến thực sự quan trọng) vẫn là giá có thể chấp nhận được. Mà nếu chấp nhận được cái giá này thì đồng nghĩa với việc chấp nhận toàn bộ luật chơi ( = chấp nhận hàng triệu phát kiến sai để trông chờ cơ may có phát kiến chân lý). Nói cho cùng, khi nhận ra sự ấu trĩ của những cá nhân cụ thể, cũng là lúc tự nhận ra mình hiểu sâu sắc hơn khoảng cách giữa khoa học và phản khoa học; tức là mình đã trưởng thành hơn. Mà theo qui luật khoa học, nếu kết quả mới chứng minh được kết quả cũ là sai, thì không ai lại đi tung hô người đưa ra kết quả mới (đúng) rồi cùng lúc chế giễu hay xỉ vả người có kết quả cũ (sai); cả hai đơn giản đều đi tìm chân lý, một người đi đúng đường còn người kia đi lạc, thậm chí trong nhiều trường hợp người đi lạc làm cho người còn lại tỉnh ngộ ra mà tìm đường đi đúng. Chế giễu một sự ấu trĩ bằng cách phỉ báng cá nhân nói cho cùng chỉ là một thú tiêu khiển vô bổ.

Trở lại với bố tôi. Ông là một người làm khoa học già của một đất nước ít cơ hội thực sự đắm mình trong khoa học. Ông đã là một hạt cát cần thiết của khối xi măng xây lên một căn nhà vào một thời điểm nào đó.

Những cơn đau tim của tôi vì ông, giờ nghĩ lại, thật không đáng có.

Trên con đường làm công việc của một hạt cát, ông đồng thời đã mang lại cuộc sống và mọi cơ hội mà tôi có được ngày hôm nay.

Categories: Gần
  1. Long Lê
    06/04/2011 at 11:42 pm

    Chị Ly viết bài này hay quá! Cám ơn chị!

  2. nkd
    07/04/2011 at 12:11 am

    Tôi cũng nghĩ thế đấy. Thực ra chẳng có gì đáng cười cả. Chẳng qua cũng là 1 nghề để kiếm sống để tồn tại và có gì đó để say mê thôi. Không tệ hơn các nghề khác.

    Những người dè bửu các ông ấy đa phần là các khoa học gia ở nước ngoài. Một phần vì muốn khoa học VN tốt lên. Nhưng một phần khác thậm chí lớn hơn là vì sự ích kỷ, muốn đề cao công việc của chính họ. Mặc dù bản thân kết quả công việc của họ so với môi trường khoa học phương tây cũng chỉ là hạt cát.

    Con người vẫn cứ say sưa hành hạ, mỉa mai, làm khổ nhau chẳng qua cũng chỉ vì cái tôi của mình thôi.

    • Leobio
      24/04/2011 at 12:33 pm

      Lần đầu tiên thấy chị nkd viết được câu thật là “nhân văn” :)

      • camlybui
        25/04/2011 at 9:33 am

        @Leobio: Bác “nhân văn” tí nào, sao lại khích bác nhau thế ;-)

  3. Yến Thanh
    07/04/2011 at 1:45 am

    Tình thương cha của một người con sẽ chẳng giúp bạn hết đau tim đâu bạn ơi. Đó là sự khắc nghiệt của cái tôi dính dáng đến khoa học hay nghệ thuật. Hoặc là ngôi sao, hoặc không là gì cả. Cái tôi đó sẽ còn khiến bạn đau đớn suốt cuộc đời mình.

    Nhất là khi bạn lại được sinh ra tại một trong những đất nước không nằm trong quỹ đạo chung của loài người. Cũng như đối với người Cha, bạn yêu Tổ quốc của mình và bạn đang đau đớn vì tình yêu đó.

  4. măng
    07/04/2011 at 2:55 am

    chả biết nói gì nữa.Cực kỳ thích, và thấm thía.
    Lại là câu chuyện mình nói nhiều lần: bao giờ cô mới về và viết những bài thế này trên báo ở “nhà” (dù sao vẫn là “nhà” mà)????????

    • camlybui
      07/04/2011 at 10:16 pm

      @Mẹ Măng ơi, hè này em về nhà mình lại nói tiếp chuyện này vậy ;-)

  5. Uyen
    08/04/2011 at 10:13 am

    Bác ơi, nghề nào cũng vậy mà, đâu chỉ nhà khoa học. Khi người ta đam mê thực sự, khi người ta có cái tâm trong công việc thì cái nghề thành cái nghiệp, đa mang. Ví dụ như ca sĩ chẳng hạn, bao nhiêu người đi hát nhưng để đạt tới đỉnh cao thì đâu có mấy người, kinh doanh cũng vậy, e rằng có khi còn khốc liệt hơn cả nghiên cứu khoa học.

  6. Leobio
    23/04/2011 at 12:27 pm

    Science is a human endevour. (an effort made by human to try to understand the surrounding world).
    And a human has to eat to live, therefore he becomes a scientist :) (i.e. it is a profession)

  7. 30/09/2011 at 9:35 am

    đọc bài viết của chị thấy hay và nhiều ý nghĩa. em mượn đưa lên blog của mình nhé. hì hì

  8. KL
    19/10/2011 at 7:35 am

    đọc bài này của chị tự dưng tôi nhớ tới một người thầy của mình ngày xưa (dù ông không cùng chuyên môn với ông cụ nhà chị). có thể họ cùng thời với nhau, một thế hệ hy sinh cho người khác dường như nhiều hơn là nhận lại được vào mình… tôi có viết về ông trong bài này:

    Người thầy…

  1. No trackbacks yet.

Leave a comment