Home > Tiếng Việt, Xa > Hay là thiết kế lại giấc mơ?

Hay là thiết kế lại giấc mơ?

Hôm qua, một cô bạn của tôi lên Facebook than thở rằng bạn của cô ấy, một bậc “trung lưu điển hình” của Mỹ, vừa phải bán đi căn nhà dưới mức giá trị lúc mua, dọn vào một căn hộ cùng vợ và ba người con, với lý do là làm không đủ tiền để chi trả cho căn nhà cũ nữa, còn nếu chịu khó ở căn hộ thì may ra còn có khả năng hàng năm đi nghỉ dưỡng ở đâu đó.

(Với những ai không sống ở Mỹ, tôi xin phép giải thích sơ qua về những chi tiết của đoạn viết trên cho có ngọn ngành hơn. “Căn nhà” ở đây có nghĩa là một single-family house, nói nôm na theo kiểu VN ta là nhà riêng. “Căn hộ” tức là một cái apartment, VN ta cũng gọi là căn hộ. “Bán nhà dưới mức giá trị” có lẽ không rõ ràng lắm – ở đây có ý là shortsale, theo hệ thống buôn bán bất động sản phức tạp của Mỹ là ngân hàng đã từng cho mượn tiền mua nhà giờ chấp nhận cho bán nhà với mức thấp hơn mức mua, và bỏ qua không đòi số tiền chênh lệch mà chủ nhà thiếu nợ ngân hàng. Còn “nghỉ dưỡng” ở đây có ý nói về vacation – một phần không thể thiếu của lối sống trung lưu Mỹ.)

Cô bạn tôi kết luận, cô ấy ngày càng mất niềm tin về cái gọi là Giấc mơ Mỹ. Lý do: một viên chức trung lưu như bạn cô ấy, dù chăm chỉ làm ăn, không còn khả năng đạt được mức sống như “giấc mơ Mỹ” vẫn hứa hẹn nữa.

Còn tôi thì hình dung, bạn của cô bạn tôi, giống như hàng triệu người Mỹ khác đang bất mãn vì tan vỡ giấc mơ Mỹ, đang kêu ca vì mất đi những gì. Họ mất đi một căn nhà có diện tích tối thiểu là 180-200 mét vuông, có vườn phía trước sân chơi phía sau, có thể còn có cả một hồ bơi 7-10 mét, có garage để được hai chiếc xe hơi, 3-4 phòng ngủ và 2-3 phòng tắm, một nhà bếp, một phòng ăn, một phòng khách, một phòng dành cho gia đình, và một tầng hầm to bằng diện tích sàn. Từ nơi đó, họ sẽ phải chuyển vào một căn hộ có diện tích 120-150 mét vuông, thiếu vườn riêng sân chơi riêng hồ bơi riêng, thiếu garage ngay sát cửa ra vào, thiếu đi một phòng ngủ và một phòng tắm so với nhà cũ, thiếu luôn một phòng dành cho gia đình. Sân chơi và hồ bơi phải dùng chung với chừng 20 hộ xung quanh.

Đổi lấy cuộc sống “chật vật” ấy, hàng năm, họ sẽ sắp xếp được một chuyến đi nghỉ cho cả gia đình, có lẽ là một chuyến đi biển nào đó trong vùng Caribe. Hoặc một chuyến đi Las Vegas. Hoặc một chuyến đi tàu trên đại dương.

Đến là khổ.

Theo Cục thống kê Mỹ, năm 2010, có 46.2 triệu người Mỹ (chiếm 15.1% dân số) rơi vào tình trạng nghèo đói. Tuy nhiên, không thể dùng đến ngưỡng nghèo đói bần hàn như vẫn thường thấy ở nhiều phần còn lại của thế giới để nói chuyện về nước Mỹ, vì đó vốn là ngưỡng mà một người Mỹ nghèo trung bình không bao giờ chạm tới. Hệ thống phúc lợi Mỹ, dù luôn bị người Mỹ phàn nàn là tệ hơn châu Âu hoặc Canada, tạo ra một lớp “lưới an toàn” cho người nghèo trong nước qua các bếp ăn miễn phí, nơi cư ngụ tạm thời miễn phí, trợ cấp giao thông miễn phí – ba thành phần căn bản của một cuộc sống tối thiểu. (Xem thêm hai tài liệu này về đói nghèo toàn cầuđói nghèo ở nước Mỹ).

Ngay cả ngưỡng “chật vật” (cái mà người Mỹ hay gọi là struggle to make ends meet), người Mỹ cũng không bao giờ chạm tới sự chật vật của nhiều phần khác trên trái đất này. Một phóng sự về đói nghèo trên nước Mỹ của hãng truyền hình NBC tuần rồi giới thiệu chân dung một gia đình Mỹ nghèo phải nhận trợ cấp lương thực (dưới hình thức food stamps). Gia đình này sống trong một căn hộ có ít nhất hai phòng ngủ, đi xe hơi Dodge bóng lộn, đến sinh nhật con vẫn mua được một bánh kem to cả nhà ăn không hết. Nhưng họ vẫn than phiền là không có tiền mua sách cho con đọc. Họ rơi nước mắt tủi thân vì điều đó. Trả lời phỏng vấn của phóng viên, họ nói rằng khi sự nghèo đói bắt buộc họ phải lựa chọn từ chối một trong hai niềm vui của con (quà sinh nhật >< sách) là đã chà đạp vào lòng tự trọng của con người.

Một giấc mơ mà trong đó con người không phải lựa chọn gạt bỏ bất kỳ một nhu cầu nào để ưu tiên cho một nhu cầu khác (thiết thực hơn), đó có phải là một giấc mơ lành mạnh hay không?

Giấc mơ Mỹ là lời hứa hẹn về cơ hội được sống trong tự do, công bằng và thịnh vượng. Nhưng giấc mơ Mỹ không có định mức cụ thể cho cả ba thành tố đó. Nói một cách khác, mỗi người tự ấn định cho mình một kỳ vọng (và niềm tin vào những thứ mà họ xứng đáng được hưởng) khi “thiết kế” ra giấc mơ cho chính mình. Đôi khi, giấc mơ có tan vỡ hay không phụ thuộc vào chính thiết kế mang tính cá nhân đó.

Một cựu binh Mỹ mà tôi được dịp trò chuyện, thuộc thành phần trung lưu, cho biết ông quyết định không mua nhà, chỉ thuê căn hộ để sống, vì ông muốn dùng tiền cho con gái mình đi du lịch mỗi khi có dịp. Ông nói, ngay cả đưa con đi một vùng cách nhà 20 phút, ông cũng gọi đó là đi du lịch (“travel”), là một dịp để học một điều gì đó mới mẻ hơn. Con gái ông, năm nay chưa tròn 10 tuổi, được ông cho học 2 ngoại ngữ, được tham dự trại hè ở châu Á, hàng ngày được đọc sách tư liệu cùng ông. Đưa con ra công viên công cộng, ngồi nhìn con thoăn thoắt leo trèo, ông bảo: “I think she’s gonna be ok” (“Tôi nghĩ con bé rồi sẽ ổn thôi”).

Categories: Tiếng Việt, Xa
  1. 08/12/2011 at 9:35 pm

    HI LY.

    Hình như Em là nữ phóng viên duy nhất người VN đi ra chiến trường Afghanistan phải không,bây giờ E có viết chính thức cho báo nào không,blog Camly của E hay lắm

    • camlybui
      14/12/2011 at 1:53 pm

      Cám ơn anh Linh, em vẫn bình thường. Thỉnh thoảng nói chuyện với Bé Nhỏ vẫn nhắc đến anh và mọi người cũ trong chung cư.

  2. Osin Huy Duc
    09/12/2011 at 4:13 am

    Oh, bây giờ Cam Ly đã viết như một nhà báo!

  3. Thaothucsg
    11/12/2011 at 2:48 am

    Oh! Thế còn những gì được phản ánh trong các phóng sự Tài liệu của Micheal Moore là sai hết cả sao? Hay là Bác ấy thổi vống lên?!

    • camlybui
      14/12/2011 at 1:51 pm

      Michael Moore là người cực đoan, chuyên dùng những câu chuyện cực đoan để khái quát cái mà ông nghĩ là thực tế, nên nhiều khi không phản ánh đúng hình ảnh chung của nước Mỹ. Thưc tế cho thấy là các cuộc biểu tình của “99%” cũng chỉ có dưới 1% người Mỹ tham gia. Đa số người Mỹ vẫn cố tìm cách xoay xở trong thời kỳ khó khăn hơn là ngồi than thở hay là đổ lỗi cho người khác. Hôm nọ tớ nghe đài, có ông thính giả gọi điện vào, bảo thôi thay vì chúng ta than thở, chúng ta nên về nhà tự trồng rau củ, nuôi con gà, sửa tủ lạnh hỏng… một năm xem sao, lúc đó sẽ thấy cuộc sống cũng chả chật vật thiếu thốn lắm đâu.

  4. Nam
    11/12/2011 at 3:57 am

    Em có thể lưu lại bài này trên blog em được ko? Lâu lâu rồi định viết về mấy thứ tương tự thế này, nhưng cứ lười lười, hôm nay thấy chị nói hộ rồi. :D

    • camlybui
      14/12/2011 at 1:45 pm

      Cám ơn bạn đã quan tâm.

  5. 30/12/2011 at 12:04 am

    Câu chuyện những người Mỹ “nghèo” này làm mình nhớ tới một câu nói của một bác hồi 2007, trước khi bong bóng nhà đất nổ: “As long as we live beyond our means we are destined to live beneath our means.”

  6. cánh cụt
    08/02/2012 at 6:39 am

    Theo thiển ý của em thì thế giới luôn vận động và chuyển hoá liên tục.Kẻ mạnh ngày hôm nay chưa chắc đã mạnh vào ngày mai.Nhưng người chiến là người hiểu rõ chính bản thân mình và hiểu quy luật vận động của thế giới như câu ngạn ngữ cổ ‘biết mình biết ta trăm trận trăm thắng”.Sẽ rất là khiêng cững khi ghép y nguyên xã hội của ta với đặc điểm địa lý ,kinh tế ,xã hội hoàn toàn riêng biệt với bất kỳ quốc gia nào .Để phát triển phải hình thành 1 đội ngũ trí thức của ta thật sự phải có tâm và có tầm.Chắc chắn những người này hơn ai hết phải lắm được sự phát triển tất yếu của loài người sẽ đi về đâu,và quan trọng hơn phải thực sự không mang nặng sự hằn thù giai cấp ,xuất xứ ,vùng miền ,tôn giáo hay bất kỳ nguyên nhân gì đang chia cắt cản trở sự hoà hợp của dân tộc ta.Tầng lớp này chỉ hình thành khi trên người và trái tim không còn vết thương chiến tranh.Vậy ngay từ bây giờ thay vì tranh cãi nhau ai đúng ai sai hãy quan tâm làm tất cả những gì có thể để hình thành và phát triển một lực lượng đủ sức gánh vác vai trò xứ mệnh lịch sử đưa dân tộc ta phát triển.

  1. 15/12/2011 at 4:25 am
  2. 14/10/2014 at 6:23 pm
  3. 15/10/2014 at 11:32 pm
  4. 18/10/2014 at 1:21 am

Leave a reply to camlybui Cancel reply